Mỗi người đều có những thước phim cuộc đời mình, dù là những người đã đi qua tuổi thanh xuân hay những người còn đang trải nghiệm những tháng ngày tuổi trẻ. Cuộc đời giống như một cốc nước, tuổi trẻ là khi cốc nước còn nóng bỏng tay, rồi thời gian trôi đi, nó nguội lạnh dần để rồi sự ấm nóng ngày nào chỉ còn là một mảng ký ức không trọn vẹn.

Ngày cuối cùng của năm cũ, ai ai cũng chẳng khỏi bồi hồi khi khoảnh khắc giao mùa đang rất cận kề. Lại một năm nữa trôi đi, con người ta già thêm một tuổi, điều đó đồng nghĩa với việc thời gian chúng ta sống trên đời cũng ngắn thêm chút nữa. Trong khoảnh khắc đặc biệt này, có người chọn cách ngồi một chỗ, ghi lại những gì mình đã làm được trong một năm qua, có người lại quân quầy cùng gia đình ăn mâm cơm tất niên và xem chương trình “ Táo Quân” – chương trình đã dần trở thành thong lệ mỗi tối giao thừa của người Việt. Còn tôi, lại một ngày tất bật với việc dọn dẹp và chuẩn bị mâm cúng cùng mẹ, và giờ đây, khi chỉ còn 2 tiếng nữa là đến thời khắc chuyển giao, tôi lại nhốt mình một góc, viết ra những dòng của xúc của riêng tôi cho một dịp đặc biệt.
Hôm nay, bất chợt tôi xem một chương trình có tên “Quán Thanh Xuân” do vtv sản xuất. Đây là năm đầu tiên chương trình ra mắt khan giả, và nó đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Chọn chủ đề “đám cưới” là chủ đề cho số đầu tiên, có lẽ ban biên tập muốn gợi lại những kỷ niệm đẹp đẽ về sự kiện quan trọng bậc nhất của tuổi thanh xuân: Kết hôn.
Tôi không biết có phải thời gian thích hợp để bàn luận về chủ đề này không nhưng trong tôi giờ đây là những dòng suy tư về nó, không hẳn là tôi nghĩ đến mình, chỉ là tôi ngưỡng mộ những tình yêu đẹp đi qua năm tháng của thế hệ ông bà mình. Bạn bè tôi cũng kết hôn khá nhiều, đám cưới bây giờ người ta cũng chú trọng nhiều hơn, tổ chức có quy mô vì cả đời mới có một lần. Nhưng không hiểu sao tôi chưa bao giờ muốn một đám cưới lớn như vậy, nó đẹp, sang trạng, lộng lẫy nhưng không hiểu sao tình yêu mà tôi cảm nhận được lại có gì đó hời hợt.
Cùng quay ngược thời gian với những đám cưới thời bao cấp, tôi vẫn nhớ lời kể của mẹ của về đám cưới của bà:
- Mày biết không, thứ 7 cưới, tối thứ 6 con lợn lăn đùng ra ốm. Mẹ lên thấy bà nội vs bố đang “chổng mông” đốt bồ kết quạt xông cho lợn để nó hết bệnh mà cuối cùng nó chết. Ông ngoại bảo mang thịt tối hôm đấy luôn, vì phải mang chui con biết không, nếu người ta biết là người ta thu ngay. Thế là bố mày vác ngay một cái đùi lên nhà mẹ. Hôm sau lên rước dâu, ôi rồi hoa cũng không có luôn. Bố bảo nhờ bạn mua bó hoa ly cuối cùng mặt thằng bạn mất tăm. Mẹ thì cũng chỉ có cái áo trắng hoa mới thôi. Đám cưới bố mày chạy vạy mãi mới lo được mấy cân kẹo vì nó không cho mua nhiều, nhà cửa trước đấy bố mày cũng tự đi lấy gạch rồi xây vá thêm cái phòng để ở tạm.
- Vậy mà mẹ cũng đồng ý lấy bố á? Bố ở quê, mẹ thì đường đường là gái thị xã cơ mà.
- Ôi tao lấy bố mày ai cũng cản, bảo là khổ lắm thế nọ thế chai, mà tao thương, tao quyết tâm lấy. Hồi đấy cũng chụp ảnh cưới đấy, xong chẳng có tiền mà rửa, để mãi cả năm sau mới đi rửa thì phim hỏng mất. Thế là chẳng có cái ảnh cưới nào. Mà mày biết bố mẹ đi trăng mật ở đâu không?
- Ở đâu ạ?
- Tao với bố mày dẫn dẹo nhau lên Thái Nguyên vì bố mày phải dạy trên đấy, lúc đi không có một đồng, có đúng 5 cân gạo bà nội đưa. Hai vợ chồng ăn hai ngày hết sạch, xong bố mày phải đi xin gạo của dân để ăn.
Ảnh cưới được chụp sau 10 năm lấy nhau của bố mẹ
Nghe mẹ tôi kể mà tôi chẳng thể nào tưởng tượng được tình yêu hồi đấy của mẹ sao mà vĩ đại như vậy. Không chỉ có bố mẹ tôi, mà nhiều cặp vợ chồng khác, họ đã nắm tay nhau suốt mấy chục nhau cho đến cuối đời, ông chăm bà, bà chăm ông rồi cùng nhau cầm tay từ biệt cuộc đời. Tình yêu như vậy chẳng phải rất đẹp sao?
Hôm nay tôi cũng nghe câu chuyện của nhà văn Chu Lai – đọc sách đêm tân hôn, hay câu chuyện của TS Nguyễn Lân Dũng – chạy cưới thời lũ lụt. Mấy ai bây giờ còn tưởng tượng những khung cảnh như vậy. Vẫn biết bao giờ cho đến quá khứ, nhưng tôi vẫn nghĩ, những gì thuộc về truyền thống, thuộc về giá trị tinh thần vẫn luôn là vĩnh cửu. Tình yêu ngàn đời nay vẫn vậy và hôn nhân là cái kết đẹp cho các cặp uyên ương. Vậy mà giờ “hôn nhân” lại trở thành “nấm mồ” của tình yêu. Không phải vì nó thay đổi, chỉ là lòng người đổi khác, và giá trị người ta tôn thờ cũng không còn như xưa.
Người phụ nữ muốn tự mình làm chủ, người đàn ông bỗng mất đi vị thế của mình. Tôi không phản đổi sự bình đẳng, nhưng tôi tôn trọng thiên chức của mỗi người. Trời đất có âm có dương, hạ giới có nam có nữ, đó là sự cân bằng. Nam cương nữ nhu – đó mới hợp tự nhiên, dung hòa đạo lý đất trời. Tôi không phản đối người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp vì tôi cũng là người có sự nghiệp riêng, nhưng sự tôn trọng dành cho người đàn ông của mình vẫn luôn là điều người phụ nữ nên làm. Trong một gia đình, cái trụ vẫn nên là người đàn ông, người phụ nữ nên là người đứng sau thay vì “ dáng hình người đàn ông đứng sau hình tượng một người phụ nữ”.
Năm cũ qua đi, năm mới đang đến, chỉ là một chút luận bàn và tâm sự cùng mọi người. Xin chúc tất cả mọi người một năm an yên và hạnh phúc, hãy nghiêm túc và làm việc chăm chỉ, đừng hời hợt, hãy yêu hết mình nhưng cũng đừng để mình lạc lối trong dòng cảm xúc, hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc của năm 2019 để cảm nhận được tình yêu thương mà chúng ta trao cho nhau mỗi ngày.
Happy New Year!